Theo bà Tôn Nữ Thị Ninh, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, Chủ tịch Quỹ Hòa bình và Phát triển TP. Hồ Chí Minh, “sau gần 50 năm tái thiết và vươn lên, thời khắc đã đến để Nhân dân Việt Nam, trong và ngoài nước, cùng nhau tự khẳng định chỗ đứng trong cộng đồng các dân tộc và chung lòng, chung sức đóng góp vào nỗ lực của nhân loại vì hòa bình, phát triển bền vững và hạnh phúc”.
Không bây giờ thì bao giờ?
82 diễn giả, 21 phiên thảo luận, hơn 2.000 người tham dự trực tiếp và và 57.000 lượt xem trực tuyến, cho thấy mối quan tâm đặc biệt tới Diễn đàn Việt Nam “Thời khắc Việt” lần thứ nhất do Quỹ Hòa bình và Phát triển TP. Hồ Chí Minh tổ chức ngày 16 – 17.8 vừa qua.
“Không phải ngẫu nhiên mà năm 1945 chúng ta đã có tiêu ngữ Độc lập – Tự do – Hạnh phúc ghi dưới Quốc hiệu Việt Nam. Chúng ta đã đấu tranh để giữ được độc lập, tự do; chúng ta đang phấn đấu để có hạnh phúc cho mọi người. Và thời khắc đó đã đến”, bà Tôn Nữ Thị Ninh nhận định.
Nói “thời khắc đó đã đến”, theo bà Tôn Nữ Thị Ninh, là có cơ sở, hầu như không ai hoài nghi hay cho là viển vông. Bởi thực sự đây là lúc chúng ta có thể dừng lại, nhìn nhận và đánh giá một cách tổng thể hành trình của đất nước Việt Nam sau gần 50 năm hòa bình, thống nhất (1975) và gần 40 năm Đổi mới (1986). Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu được thế giới công nhận. Người Việt Nam, cả trong và ngoài nước, đã để lại dấu ấn, đóng góp vào sự phát triển của nhân loại. Việt Nam giờ không chỉ còn là tên của một cuộc chiến tranh mà đã từ đổ vỡ, hoang tàn vươn lên xây dựng lại đất nước và mưu cầu hạnh phúc cho Nhân dân.
“Thời khắc đã điểm để Việt Nam vươn cao, vươn xa, tự khẳng định với bản thân và khẳng định mình với thế giới, rằng ta đã lớn mạnh hơn, hạnh phúc hơn. Diễn đàn không chỉ mang ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển tương lai của đất nước, mà còn là lời nhắn nhủ tới mỗi cá nhân về vai trò và vị trí của mình trong bức tranh tổng thể một Việt Nam rực rỡ muôn màu”, bà Tôn Nữ Thị Ninh nhấn mạnh.
Trả lời phỏng vấn Báo Đại biểu Nhân dân đầu xuân Giáp Thìn, chuyên gia kinh tế Trần Sĩ Chương, Chủ tịch Công ty Tư vấn chiến lược 3Horizons (U.K) khu vực châu Á – Thái Bình Dương, cũng khẳng định, “chưa bao giờ trong lịch sử Việt Nam có vận hội tốt như hôm nay”. Theo ông, chúng ta đang có một vị thế chính trị ngoại giao hiếm có khi là một trong rất ít nước có thể “làm bạn” với tất cả các nước và các nước cũng cần mình. “Nếu biết tận dụng thì đây là cơ hội chiến lược lịch sử”.
“Thiên hướng hòa bình” – căn tính đặc biệt quan trọng
Thời khắc Việt đến là lúc chúng ta cần nhìn nhận mối tương quan giữa việc xác định thương hiệu đất nước đối với sự phát triển chung của Việt Nam trong mục tiêu phấn đấu trở thành quốc gia phát triển đến 2045. Trong quá trình này, điều quan trọng là tích hợp và phát huy những điểm nổi bật, tích cực của căn tính của người Việt và dân tộc Việt để xây dựng thương hiệu đất nước Việt Nam. Đây là một hành trình, và để làm tới nơi tới chốn đòi hỏi có sự góp sức, góp trí, góp tâm của toàn xã hội.
Bà Tôn Nữ Thị Ninh cho rằng, “xác định thương hiệu đất nước Việt Nam và căn tính Việt có ý nghĩa quan trọng trong một thế giới mà các quốc gia và dân tộc ngày càng nối kết với nhau hơn, và các nền văn hóa có xu hướng vừa hội tụ vừa tách biệt. Nhận thức được điều tạo nên sự độc đáo của Việt Nam, các cá nhân, tổ chức và cả quốc gia có thể tận dụng thế mạnh để củng cố sự hiện diện mạnh mẽ trên phương diện quốc tế cũng như thông qua cộng đồng gốc Việt, đồng thời thu hút đầu tư, cơ hội và nhân tài”.
Khảo sát của Quỹ Hòa bình và Phát triển TP. Hồ Chí Minh cho thấy, thiên hướng hòa bình và ý chí vươn lên có thể là chủ đề thường trực hoặc câu chuyện xác định cho thương hiệu đất nước của Việt Nam. Chuyên gia kinh tế Trần Sĩ Chương cho rằng, thiên hướng hòa bình là căn tính đặc biệt quan trọng của đất nước. Đó không chỉ là khẩu hiệu mà là mục tiêu chiến lược để tồn tại. “Không có gì quý hơn hòa bình. Vì vị trí địa lý, hoàn cảnh lịch sử của Việt Nam, hòa bình chúng ta đang có cực kỳ mong manh. Điều kiện lớn nhất, cần thiết nhất (ắt có và đủ) để duy trì, gìn giữ hòa bình là ý chí vươn lên. Con người ta ở đâu cũng vậy, chỉ khi chia sẻ một ý chí thì mới có sự đoàn kết, mới cộng hưởng, có tổng lực, không những trong nội bộ chúng ta mà còn với thân hữu, bạn bè, cộng đồng các dân tộc khác”.
Ông Trần Sĩ Chương nhấn mạnh thêm, thương hiệu là kết quả của nỗ lực toàn dân hướng về ý chí chung là dân giàu, nước mạnh. Vì không dân giàu nước mạnh sẽ không thể có độc lập, tự chủ để duy trì hòa bình. Giàu, mạnh ở đây không chỉ về tiền bạc, vật chất mà còn cả về văn hóa – sức mạnh mềm. “Phải có sự hãnh diện của người Việt Nam, tự xây dựng phẩm cách của con người để được tin và được mến, tạo nên sự gắn bó và giá trị bền vững. Đó cũng là giá trị của thương hiệu”.
Con người là vốn quý nhất
Để đón được “thời khắc Việt”, theo các chuyên gia, vốn quý nhất của Việt Nam là con người Việt. Đồng tác giả cuốn sách “Việt Nam: Ngôi sao đang lên của châu Á” Brook Taylor nhận định, thế mạnh của Việt Nam nằm ở nhân tố con người với tiềm lực học thuật tốt và hoàn toàn có thể tận dụng lợi thế tài nguyên thiên nhiên để bật đà phát triển đất nước.
Con người Việt không chỉ là hơn 100 triệu dân trong nước mà còn cả hơn 5 triệu người Việt đang sinh sống, làm việc tại 135 quốc gia, trong đó ngày càng nhiều người muốn trở về nguồn cội. Bà Tôn Nữ Thị Ninh khẳng định: “Người Việt Nam, bất kể ở đâu, chính là những người làm nên tâm hồn và trí tuệ Việt, sức mạnh và bản sắc dân tộc của thương hiệu đất nước”.
Nếu 20 – 30 năm trước, các tài năng trẻ của Việt Nam muốn “nở hoa kết trái” hầu như phải đi du học và ở lại nước ngoài làm việc, nhưng bây giờ ở trong nước cũng có thể thành công. Như trường hợp TS. Nguyễn Thị Phương Thảo – nữ tiến sĩ Việt Nam đầu tiên vừa được bầu vào Viện hàn lâm Khoa học trẻ toàn cầu – học và làm nghiên cứu sinh ở trong nước; hay kỳ thủ Hà Nội Đầu Khương Duy vô địch U12 thế giới… Đó là những dấu hiệu cho thấy đất nước đã phát triển, tạo điều kiện tốt hơn cho tài năng người Việt trong nước.
Tuy nhiên, theo PGS.TS. Phan Thanh Bình, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, “vấn đề được đặt ra là phát huy nguồn lực này, vốn quý nhất của đất nước, đúng tầm, góp phần phát triển đất nước Việt Nam trong tương lai”. Và ông đề xuất, thứ nhất, cần thiết tạo chuyển biến thật sự quá trình triển khai từ nhận thức đến hành động, từ chính sách đến thực tiễn về phát huy năng lực, tiềm lực người Việt Nam. Thứ hai, quyết liệt hiện đại hóa đào tạo, nghiên cứu khoa học gắn với nhu cầu xã hội, phục vụ trực tiếp phát triển đất nước. Thứ ba, xây dựng chế độ đãi ngộ tạo động lực và tôn vinh thật sự người giỏi; bảo đảm môi trường làm việc và tương lai phát triển, nhà khoa học được tự chủ trong hoạt động chuyên môn của mình.
“Mọi thứ bắt đầu từ niềm tin, nhưng chính hành động mới biến mọi thứ thành hiện thực”. Thời khắc Việt là cơ hội nhưng cũng là thách thức. Nếu chúng ta không chuẩn bị đầy đủ, không nắm bắt được thì cơ hội sẽ trôi đi. Giờ là lúc trí thức, chuyên gia, doanh nhân, các nhà hoạt động khoa học, văn hóa, xã hội và thanh niên Việt Nam trong và ngoài nước cùng nhau hiện thực hóa ước vọng cho một nước Việt Nam phát triển và hạnh phúc.